NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG
Thật đáng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng hai trong số những “Cột trụ” có tiếng (Ga-la-ti 2:9) của Hội Thánh (Phi-e-rơ và Giăng) là “những người đàn ông bình thường và ít học” hay là “ἄνθρωποι ἀγράμματοί εἰσιν καὶ ἰδιῶται” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Từ ngữ thường được dịch là “vô giáo dục”, “thất học”, hoặc “không được đến trường” (ἀγράμματοί) có nghĩa là “không có chữ” theo nghĩa đen, ví dụ như “không biết đọc biết viết.” Từ dùng cho chữ “tầm thường,” “không được đào tạo,” hoặc “bình thường” (ἰδιῶται) mang ý nghĩa “không chuyên nghiệp” – trong trường hợp này ám chỉ không thuộc ban hội lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Tyndale dịch từ này là “thường dân.” Chúng ta biết rằng 4 trong số 12 Sứ đồ là người đánh cá, 1 là người cách mạng chính trị, 1 là người thu thuế, và 1 là kẻ trộm cắp. Kinh Thánh không cung cấp thông tin gì thêm về 5 sứ đồ còn lại. Tất cả họ được chọn sau khi Chúa Jesus cầu nguyện suốt đêm. (Lu-ca 6:12) Chúa đã chọn “những người đàn ông ít học và tầm thường” vì một lý do.
Trong đoạn này, Phi-e-rơ và Giăng bị các lãnh đạo tôn giáo bắt giữ vì đã rao giảng về sự phục sinh của Chúa Jesus sau khi chữa lành người ăn xin khuyết tật tại cổng Đền Thờ. Ngày hôm sau, hai ông bị Thầy tế lễ thượng phẩm, các Thầy dạy luật và các Trưởng lão tra hỏi về phép màu. Phần trả lời của Phi-e-rơ làm họ kết luận rằng ông là một người “bình dân” “ít học” – có sự khác biệt rõ rệt với dòng dõi tôn giáo của họ. Nói một cách thẳng thắng, chưa bàn đến việc Phi-e-rơ và Giăng có phải “thất học” hay không, nhưng hai ông rõ ràng không được coi trọng như những người có học hoặc giai cấp ưu tú trong văn hóa của mình. (Theo học giả Do Thái Meir Bar-Ilan, tỉ lệ biết đọc biết viết trong Thế kỷ thứ 1 ở Palestine chưa tới 3%. Như vậy “những người tầm thường” nhiều khả năng rơi vào phần 97%.)
Thai sinh “non” Sứ đồ Phao-lô (1 Cô-rinh-tô 15:8) hiển nhiên là một trường hợp ngoại lệ so với những người đánh cá “thất học.” Phao-lô được giáo dục cao hết mức có thể theo tiêu chuẩn Torah. (Ga-la-ti 1:14) Nhưng cũng khá thú vị khi thấy rằng sự thông hiểu kinh sách Torah từ sớm của Phao-lô đã không dẫn dắt ông đến sự nhận biết Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế. Ngược lại, sự khôn ngoan ưu việt của Phao-lô lại đưa ông đến hành động bắt bớ Chúa Jesus và nới rộng ra là bắt bớ thân thể của Chúa, là Hội Thánh. Quả thật, một bi kịch dễ nhận thấy trong các sách Phúc Âm đó là phần lớn những bậc trưởng thượng tôn giáo Do Thái chưa bao giờ nhận biết Chúa Cứu Thế Jesus, mặc dù Ngài chính là sự ứng nghiệm của niềm sùng kính và học tập mộ đạo của họ, “Các ngươi tra cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta,” (Giăng 5:39) Sứ đồ Phao-lô rõ ràng đã tận dụng được học vấn của mình như một công cụ để tiếp cận những người đồng hương Do Thái, “ông đã công khai phản bác người Do Thái một cách mạnh mẽ, dùng Kinh Thánh minh chứng rằng Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:28) và để trình bày Phúc Âm một cách thông tuệ cho cả người Do Thái và dân ngoại.
Duccio di Buoninsegna – Sự Xuất Hiện Trên Hồ Tiberias
Phi-e-rơ và Giăng không có bất cứ kỹ năng học thuật tôn giáo nào. Họ là những người bình dân, tầm thường. Đó chính là trọng điểm. Chúa không cần kỹ năng học thuật; tất cả Ngài cần là những con người sẵn sàng đi theo. Chúa sẽ làm cho “người không đủ tiêu chuẩn” đạt tiêu chuẩn. Chúa đã quyết định dùng một nhóm người bên ngoài những người có học hoặc có thành tựu tôn giáo để làm các môn đồ chủ lực của Ngài. Mô hình Chúa sử dụng “những người bình thường” khá phổ biến. Phao-lô thuật lại điều đó trong bức thư ông gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô, “Thưa anh em, hãy suy nghĩ lúc anh em được kêu gọi, trong anh em không có mấy người khôn ngoan theo tiêu chuẩn đời nầy, không mấy ai có quyền thế, cũng chẳng có mấy người thuộc dòng quý tộc. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. Đức Chúa Trời đã chọn những gì thấp kém, bị khinh chê ở thế gian, ngay cả những gì không có, để làm cho những gì đã có ra hư không.” (1 Cô-rinh-tô 1:26-28)
Phần thứ nhì của Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13 chép rằng, “họ đều kinh ngạc và nhận ra rằng hai ông đã từng ở với Đức Chúa Jesus.” Các lãnh đạo tôn giáo nhận thức rằng Phi-e-rơ và Giăng là những người “thất học” cũng như sự thật rằng “họ đã từng ở với Chúa Jesus.” Câu thứ hai trong 4:13 cho chúng ta lời giải đáp về “những phẩm chất năng lực” của Cơ Đốc nhân để phục vụ Chủ Nhân. Nói một cách đơn giản, năng lực của họ được bắt rễ từ sự mật thiết của họ với Chúa Jesus chứ không phải từ việc nghiên cứu tỉ mỉ các kinh Torah, Talmud hay Halakha. Chúa Jesus đã không gửi các Sứ đồ tới một trường tôn giáo Yeshiva. Ngài yêu cầu họ theo Ngài.
Vị thế “tầm thường” và “chưa được đào tạo” của Phi-e-rơ và Giăng nên là một hiệu lệnh quan trọng cho Hội Thánh ngày nay. Trước hết, xin gửi lời động viên lớn lao đến những ai tin rằng Chúa không thể dùng họ bởi vì họ thiếu những phẩm chất cá nhân. Thiếu sự đào tạo chính quy, nói chuyện khó khăn, diện mạo bên ngoài, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng hùng biện, giọng nói, địa vị xã hội, v.v. đều không phải là những khuyết điểm trong Vương Quốc Chúa! Những thiếu sót trong năng lực của con người trên thực tế có thể là ưu điểm lớn nhất của chúng ta. Khi bạn không có trình độ học vấn đặc biệt, danh xưng hoặc tướng mạo bên ngoài, bạn buộc phải tin cậy hoàn toàn vào Chúa Jesus, Ngài trở nên Đấng phê chuẩn tức thì và có quyền lực nhất của bạn. Bất kỳ người nam hay người nữ nào đã dành riêng thời gian quý báu với Chúa Jesus sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn lao một cách vô hạn trên một hội chúng (hoặc những người chưa tin) hơn là một người lên bục giảng nhưng không có gì để trưng ra ngoài tấm bằng Tiến sĩ, sức thu hút và kiến thức về tiếng Hy Lạp cổ. Hội Thánh cần những người nam và nữ đã ở cùng với Chúa Jesus! Chung cuộc, Chúa Jesus chính là trường học. Ngài là sự giáo dục.
Thứ hai nữa, vị thế “thiếu sự đào tạo” của Phi-e-rơ nên là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đến các Hội Thánh nào hay loại trừ những người “ít học” và “chưa được huấn luyện” khỏi vai trò lãnh đạo. Phần lớn các Hội Thánh ở Mỹ chắc sẽ ngăn không cho Phi-e-rơ và Giăng được xem xét làm lãnh đạo dựa trên sự khiếm khuyết trong thành tích học tập chính quy của họ. Quả là một điều tai hại cho Vương Quốc của Chúa khi chúng ta tạo nên những trần nhà bằng thủy tinh cho vai trò lãnh đạo. Có bao nhiêu người nam và nữ đã được Đức Thánh Linh xức dầu để khai sáng thân thể Đấng Christ nhưng đã bị loại ra dựa vào sự thiếu sót của họ về tiếng Hy Lạp, tiếng Hê-bơ-rơ, lịch sử Hội Thánh và thần học theo hệ thống?
Sau 8 năm học ở trường đại học, tôi nghĩ tôi hoàn toàn có khá nhiều điều để góp phần vào thân thể Đấng Christ. Chức vụ mục sư đầu tiên của tôi được bổ nhiệm về một Hội Thánh ở vùng nông thôn Bắc Carolina. Tôi háo hức muốn sử dụng những công cụ mà tôi đã tiếp thu trong suốt nhiều năm học tập. Phần đông các thành viên Hội Thánh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, lái xe tải, sản xuất, v.v. Trong vài tháng sau đó, tôi đã gặp một người từng là nông dân và tài xế xe tải, Ralph Campbell. Tôi không chắc là Ralph có học trung học hay chưa, nhưng anh ấy biết Chúa Jesus theo một cách mà tôi chưa từng thấy. Mối tương giao như thế với Đấng Christ đã sản sinh một quyền năng và sự tin chắc hiếm khi được tìm thấy trên bục giảng của những người lãnh đạo tôn giáo. Tôi lập tức hiểu rằng đó là “những phẩm chất năng lực” chỉ có thể được truyền cho những ai đã dành thời gian với Chúa Jesus (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Những phẩm chất này không được truyền đạt bởi một học viện nhưng bởi chính Đức Thánh Linh. Đây là những người mà Đức Chúa Trời sử dụng để thay đổi trái tim con người.
Điểm cốt yếu ở đây không phải là xem thường nền giáo dục tôn giáo. Chúa ban sự khôn ngoan thông qua ơn huấn luyện và giảng dạy, thông qua trường đại học và học viện. Đó là những phương tiện dẫn đến sự trưởng thành và tăng trưởng thuộc linh. Như đã nói ở trên, Phao-lô là một thành viên của “tầng lớp tôn giáo ưu tú” và sự thông tuệ về Phúc Âm của ông là không thể sánh kịp. Cùng lúc đó, chúng ta nên nhớ rằng Chúa thường chọn những “người không đủ tiêu chuẩn,” “người chưa được đào tạo,” và “người không là gì cả” trong thế gian. Chúa thường làm việc bên ngoài các hình thức tôn giáo đã được cơ cấu. Những người “thất học” ít khi dựa trên “chiếc đai công cụ” hàn lâm của họ. Trái lại, họ có xu hướng quy vinh hiển về một mình Chúa trong khi mọi người lấy làm lạ rằng làm sao Chúa có thể dùng một phương tiện “yếu kém” như thế.
Hội Thánh không nên thu hẹp vai trò của nền giáo dục chính quy nhưng cần nhận thức rằng giáo dục bản thân nó không phải là một phẩm chất tinh thần. Lời kêu gọi của Chúa mới là điều kiện tiêu chuẩn và trên hết, chính Đức Thánh Linh mới là Thầy giáo. (Giăng 14:26) Chúa không chỉ kêu gọi những Phao-lô của thế giới. Ngài kêu gọi những Phi-e-rơ, những Gia-cơ và Giăng nữa. Năng lực tối cao nhất chính là tiếng gọi của Chúa, cái chạm của Ngài, sự ban quyền lực của Ngài, chính sự sống của Ngài.
Bài viết bởi Sky Cline