SỰ CHUỘC TỘI

Có một điều chắc chắn đó là thập tự giá chính là điểm trọng tâm của Cơ Đốc giáo đầy tính lịch sử. Đúng vậy, sự chết của Đấng Christ đứng vững vàng ở vị trí tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Luật Pháp và các Nhà Tiên Tri mong đợi đến thời điểm này trong lịch sử trong khi các sách Phúc Âm và thư tín nhìn nhận tính chất trung tâm của tâm điểm ấy và nỗ lực nhận biết những ngụ ý của tâm điểm đó trên những người con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô trình bày rõ trong bức thư của ông gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô, “Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá. (1 Cô-rinh-tô 2:2)

1240 Florence Italy.

“Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá.”
1 Cô-rinh-tô 2:2

Thế gian đã bị nhúng sâu và sự tăm tối bởi tội lỗi của A-đam và dòng dõi của người. Trong vòng mười thế hệ kể từ A-đam, Đấng Tạo Hóa “lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất.” (Sáng Thế Ký 6:6) Bất chấp sự thánh khiết của Chúa và khuynh hướng ngang bướng của con người xuôi theo sự gian ác, một kế hoạch được thai nghén bởi Đức Chúa Trời nhằm giải cứu con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà con người đã bị vướng vào, hoàn toàn do ước muốn của người ấy muốn tách khỏi Đấng Tạo Hóa của mình.

Đức Chúa Trời đã chọn Áp-ra-ham và sau đó là Y-sơ-ra-ên làm phương tiện thực thi kế hoạch cứu chuộc của Ngài. “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con; mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12:3) Quả thật, Chúa Jesus là sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham để ban phước cho các dân tộc. Chúa Jesus là phương cách mà qua đó lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho các Tổ phụ được thực hiện. Sự chết của Chúa Jesus chính là giải pháp của Đấng Tạo Hóa nhằm giải cứu nhân loại khỏi lời nguyền và gông cùm của tội lỗi, và cũng giúp phục hồi mối tương giao đã làm con người xa cách Đấng Tạo Hóa trong hàng thiên niên kỷ.

Thập tự giá trụ vững ở thế ưu việt trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời bởi vì thông qua thập tự giá, nhân loại được cứu chuộc một cách hoàn toàn khỏi lời nguyền của A-đam. Lời nguyền của tội lỗi đã bị chế ngự và mối tương giao với Đức Chúa Cha được phục hồi. Con người không còn sống dưới gánh nặng và sự hổ thẹn của độc dược của tội lỗi cũng như nỗi kinh sợ về hình phạt không thể tránh khỏi. Thập tự giá chính là Phúc Âm. Đó là tin tốt lành. Tin ấy phát sinh từ tình yêu thương vô bờ bến và ân điển của Đức Chúa Cha, “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8)

Sự chết của Chúa Jesus mang đến sự hòa giải với Đấng Tạo Hóa vì tội lỗi của loài người đã được chuộc – những tội lỗi của con người đã được xóa bỏ và tha thứ. Phao-lô bày tỏ rằng nhân loại đã được làm cho công chính hoặc được phục hồi trong mối quan hệ với Chúa và được chuộc lại (được giải phóng qua sự thanh toán khoản nợ) bởi vì Đức Chúa Trời đã đặt Con của Ngài làm một “sinh tế chuộc tội.” (Rô-ma 3:25) Từ ngữ sinh tế chuộc tội trong tiếng Hy Lạp là hilasterion (ἱλαστήριον). Hilasterion là một từ kỳ diệu mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất, công việc của Đấng Christ có tính cách chuộc tội: sự chết của Ngài tẩy sạch tội lỗi chúng ta. Tội lỗi chúng ta đã được chuyển giao qua Con của Đức Chúa Trời. Thứ hai, công việc của Đấng Christ có tính làm nguôi giận: giống như kết quả của việc xóa tội – cơn giận của Đức Chúa Trời đã được đẩy lui khỏi loài người và đặt lên Con của Ngài. Điều đáng chú ý là trong tiếng Hy Lạp, hilasterion là từ dùng cho “nắp thi ân” (xem trong Hê-bơ-rơ 9:5 hoặc Xuất Ê-díp-tô Ký 35:12 (bảng Septuagint)) – chiếc nắp vàng dùng để che phủ Hòm Giao Ước. Đó là nơi mà tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên được chuộc bởi huyết con bò đực được rảy ra trong Ngày Lễ Chuộc Tội. Đó chính xác là địa điểm mà Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ gặp dân Y-sơ-ra-ên, “Ta sẽ gặp con tại đó; từ bên trên nắp thi ân, giữa hai chê-ru-bim nằm trên Hòm Chứng Ước.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:22) Chúa Jesus thật sự là hiện thân của nắp thi ân! (Xem thêm Giăng 20:12)

Hòm Giao Ước (Xuất Ê-díp-tô Ký 39). Điêu khắc gỗ, xuất bản năm 1886.

Món quà Đức Chúa Trời ban cho thế giới đến với một cái giá khủng khiếp. Sự tăm tối và nhục nhã đã giáng trên thế gian từ thời kỳ của A-đam sẽ được chuộc thông qua sự hy sinh của Con Đức Chúa Trời, là Chúa Jesus. Thật vậy, Chúa Jesus đã mang trên thân thể Ngài sự gian ác và xấu hổ của loài người (1 Phi-e-rơ 2:24) và nhận lấy hình phạt tương ứng (Rô-ma 3:25). Chúa Jesus quả thật đã “thế chỗ”, hay nói cách khác, là một “thế thân” cho những người con trai và con gái của A-đam. Ngài đã mang tội lỗi của nhân loại cũng như hình phạt không thể tránh khỏi cho những tội lỗi đó. “Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, Vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.” (Ê-sai 53:5)

Bạn đứng trước thẩm phán trong một phòng xử án. Bạn đang chịu phiên xử cho tội án sát nhân. Bạn đã phạm tội. Công tố viên đã trình bày tố tụng của Tiểu bang chống lại bạn. Chứng cớ có đầy đủ. Thẩm phán đọc lời phán quyết: “có tội” với tuyên án: “tử hình.” Tội lỗi, cảm giác kinh khiếp và sợ hãi xâm chiếm tâm hồn bạn. Sự thống khổ. Phán quyết là có thật, nhưng sự đền bù là vô nghĩa và không thể thực hiện được. Khi bạn sắp sửa bị dẫn tới giá treo cổ, một người trong phòng xử án đến biện hộ cho bạn, “Tôi sẽ bị xét xử thay cho người này. Tôi sẽ chịu thay tội lỗi để người ấy được tự do.” Thẩm phán đồng ý. Người vô tội bị kết án để người có tội được tự do. Đó chính là ân điển được ban cho những ai kêu cầu danh Đức Chúa Trời trong đức tin và sự ăn năn.

Tu viện Thánh Catherine vào thế kỷ thứ 8, Núi Sinai, Ai Cập.

Thập Tự Giá mang đến sự tự do thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi và sự kết án theo sau. Thập Tự Giá cũng giải phóng chúng ta khỏi sự buộc tội và quyền lực của Kẻ Thù. Bởi vì “giấy nợ chống lại chúng ta” đã bị “đóng đinh vào thập tự giá.” (Cô-lô-se 2:14) Kẻ Thù của chúng ta không còn “chứng cứ” để sử dụng cho việc lẽ ra là sự kết án và đọa đày chúng ta vào địa ngục. Chương trình của Đức Chúa Trời nhằm cứu chuộc loài người (khỏi tội lỗi, sự chết và sự gian ác) đã được thực hiện và hoàn thành trong sự hy sinh của Con Ngài. “Mọi việc đã hoàn tất.” (Giăng 19:30)

Những ai chưa trở thành người thừa hưởng của thập tự giá (qua đức tin) phải trình diện trước Đức Chúa Trời dựa trên những hành động của chính họ. Nếu không có công việc của Chúa thay mặt cho một người, người đó phải đứng dưới sự kết án công bằng của Đức Chúa Trời. Đây là một nơi mà không có bất cứ con người nào trên trái đất có thể đứng nổi. “Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống thì thật là kinh khiếp.” (Hê-bơ-rơ 10:31)

Nói tóm lại, sự chết của Đấng Christ đã hoàn thành sự hòa giải với Đức Chúa Trời bởi vì tội lỗi được xóa bỏ (sự chuộc tội) – hình phạt đã bị ngăn chận (sự làm lành) và sự buộc tội của Sa-tan trở nên vô dụng và bị vô hiệu hóa bởi vì “chứng cứ” buộc tội chúng ta đã bị loại bỏ. Chúa không chỉ xóa tội lỗi chúng ta, Ngài còn truyền bản tính của Ngài cho người nào đặt đức tin nơi Ngài. Người được cứu chuộc trở nên một “tạo vật mới”, tạo vật mang hình ảnh của Con Ngài và được đóng ấn của Chủ Nhân mới của người ấy. (2 Cô-rinh-tô 5:17-21, Ê-phê-sô 1:13)

Bài viết bởi Sky Cline